Theo trang web chính thức của Trung tâm Thông tin về Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc, tác nhân gây ra "căn bệnh bí ẩn" ở thành phố Vũ Hán được xác định là một loại coronavirus mới, không phải là virus SARS.
Gen của loại virus lạ này không giống với SARS. Mặc dù virus lạ và SARS, MERS coronavirus thuộc cùng một họ coronavirus, tuy nhiên phân tích tiến hóa di truyền cho thấy chúng thuộc các loại phụ khác nhau. Trình tự gen virus của chúng khá khác nhau.
Trước đó, Ủy ban Y tế Vũ Hán báo cáo không có bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người. Do đó, mọi người ở thành phố này chưa có sự chuẩn bị, chủ quan về khả năng lây nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, sau đó bệnh dịch bắt đầu lây truyền từ người sang người một cách rõ rệt. Hiện có 136 trường hợp được xác nhận đã xuất hiện triệu chứng nhiễm virus lạ và con số này vẫn đang tăng mạnh.
Tỷ lệ tử vong do virus coronavirus mới có cao không?
GS Wang Yuedan, giáo sư miễn dịch học tại Đại học Y khoa Bắc Kinh cho rằng virus mới này vẫn đang trong giai đoạn bùng phát bệnh truyền nhiễm và cần được theo dõi chặt chẽ. Tỷ lệ tử vong do SARS rất cao, khoảng 10%, so sánh với đó, có thế thấy tỷ lệ tử vong của virus mới này hiện không cao.
Bệnh viêm phổi lạ đã xuất hiện ở Việt Nam chưa?
Tính đến ngày 16-1-2020, theo Cục y tế Dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm phổi lạ.
Tuy nhiên, ngày 14-1-2020, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại sân bay quốc tế Đà Nẵng đã phát hiện hai trường hợp đến từ TP. Vũ Hán, Trung Quốc có biểu hiện sốt qua máy đo thân nhiệt từ xa. Hiện cả hai đang được cách ly và theo dõi chặt chẽ dù chưa phát hiện ra bất thường nào về sức khỏe.
Các biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân nhiễm virus là gì?
Theo Ủy ban Y tế thành phố Vũ Hán, những biểu hiện lâm sàng của việc nhiễm trùng loại virus lạ này bao gồm:
- Sốt.
- Mệt mỏi.
- Các triệu chứng hô hấp, ho khan, khó thở, hội chứng suy hô hấp cấp.
- Sốc nhiễm trùng.
- Thậm chí là nhiễm toan chuyển hóa và rối loạn đông máu.
Một số bệnh nhân có triệu chứng khởi phát nhẹ mà không sốt. Hầu hết bệnh nhân nhiễm bệnh vẫn có sức khỏe tốt, chỉ một số ít bệnh nhân bị nặng và thậm chí tử vong.
Các con đường lây lan?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, một số loại coronavirus có thể truyền từ người sang người, thường là sau khi tiếp xúc gần với bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
Bác sĩ Geng Rong, Giám đốc Nhi khoa và Trợ lý Trưởng khoa của Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Shunyi, Bệnh viện Nhi đồng Bắc Kinh, cho biết các con đường lây nhiễm chính của loại virus mới này có thể bao gồm:
- Việc tiếp xúc với các loại dịch (nước mũi, nước bọt, dịch mụn nước…).
- Đường hô hấp.
Thông tin do Ủy ban Y tế và Sức khỏe thành phố Vũ Hán công bố cho thấy những người tiếp xúc gần gũi như người thân, bạn học, đồng nghiệp, nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân đều có nguy cơ lây lan bệnh dịch.
Bệnh nhân bị nhiễm virus lạ được điều trị như thế nào?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hiện tại không có phương pháp điều trị cụ thể đối với các bệnh do coronavirus mới gây ra. Tuy nhiên, nhiều triệu chứng có thể được kiểm soát, vì vậy bệnh nhân cần được điều trị theo tình hình lâm sàng.
Virus rất nhạy cảm với nhiệt. Việc phun 75% cồn, chất khử trùng có chứa clo, chất khử trùng hydroperoxide, chloroform và các dung môi lipid khác trong 30 phút ở 56 độ C, có thể vô hiệu hóa virus.
Virus sẽ phát triển mạnh hơn trong thời gian tới?
Loại virus lạ đang trong dịch, nên chúng ta không thể biết liệu virus sẽ còn biến đổi nữa hay không trong quá trình truyền, tỷ lệ tử vong do virus lạ có tăng nữa hay không.
Làm thế nào để bảo vệ chính mình?
Chủng virus này, hiện chưa có phác đồ điều trị cũng như chưa có vắcxin phòng bệnh.
Bác sĩ Sun Yanping cho rằng virus nên được ngăn chặn theo con đường lây truyền virus qua đường hô hấp bằng cách đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn, duy trì vệ sinh cơ thể và thói quen ăn uống an toàn và tránh tiếp xúc với bất kỳ ai có triệu chứng bệnh hô hấp như ho và hắt hơi liên tục. Nên kiểm tra nhiễm trùng nghi ngờ, chẩn đoán cần được xác nhận càng sớm càng tốt và cần phải theo dõi chặt chẽ về mặt y tế.