Trên 70% người ung thư vú phát hiện muộn
Trên 70% bệnh nhân ung thư vú phát hiện muộn khiến hiệu quả điều trị giảm, chi phí tăng, thêm gánh nặng tài chính và trả giá bằng cả tính mạng.
Hơn 15.000 người Việt phát hiện mắc ung thư mỗi năm, trong đó trên 9% là ung thư vú, theo thống kê của GLOBOCAN năm 2018. Ước tính đến năm 2030, số ca ung thư vú mới phát hiện lên 20.000 ca, xu hướng tiếp tục tăng.
Đánh giá của Chương trình Phòng chống Ung thư Quốc gia, số bệnh nhân ung thư vú gia tăng do nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là hạn chế nhận thức về ung thư vú trong cộng đồng, khiến việc điều trị khó khăn và tốn kém. Hơn 70% người bệnh phát hiện muộn, dẫn đến nguy cơ cao tử vong.
Thứ hai là việc tầm soát ung thư vú hiện diễn ra cục bộ, chưa rộng rãi và phổ biến, tổ chức ở quy mô nhỏ. Vấn đề về tài chính cũng là trở ngại do dịch vụ khám sàng lọc chưa được đưa vào chi phí bảo hiểm y tế.
Theo báo cáo của The Economist Intelligence Unit, Việt Nam là một trong ba quốc gia xếp cuối thang điểm ở Đông Nam Á về chỉ số sàng lọc phát hiện sớm ung thư. Tỷ lệ người khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú hiện nay còn thấp, thiếu chụp nhũ ảnh chẩn đoán sớm tại tuyến chăm sóc y tế ban đầu và khám tuyến vú lâm sàng. Việt Nam cũng xếp cuối về tổng lượng máy xạ trị thực tế có sẵn so với quy mô dân số.
Nguyên nhân là phạm vi bao phủ của các chương trình sàng lọc ở Việt Nam chưa rộng rãi. Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Thị Thanh Hương, Phó Viện trưởng Ung thư Quốc gia, cho biết chưa có chương trình kiểm soát ung thư chuyên biệt dù hiện tại đã có các kế hoạch kiểm soát ung thư.
"Do chưa có một chương trình kiểm soát ung thư chuyên biệt nên không hể huy động được nguồn lực và đánh giá hiệu quả các kế hoạch này", bà Thanh Hương cho biết.
Đây cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ chẩn đoán giai đoạn muộn ngày càng tăng cao, tạo gánh nặng lên hệ thống bệnh viện tuyến cuối tại các thành phố lớn.
(Bác sĩ khám cho bệnh nhân, tại Bệnh viện K. Ảnh: Bệnh viện cung cấp)
Mức độ bảo hiểm đối với điều trị ung thư và thuốc phòng chống ung thư còn hạn chế. Bảo hiểm y tế chỉ có thể hỗ trợ bệnh nhân khoảng 30% chi phí điều trị. Do đó gánh nặng tài chính đè lên vai của bệnh nhân và gia đình. Nguy cơ khánh kiệt về tài chính trong quá trình điều trị ung thư, dẫn đến khó khăn trong tiếp cận điều trị.
Theo bác sĩ Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, "cần kết hợp từ nhiều nguồn lực để kiểm soát ung thư vú, bởi sự hỗ trợ cho bệnh nhân ung thư vú chỉ diễn ra trong quá trình khám và điều trị".
Nguyễn Chi